
“Đi xa cũng giống như đi shopping vậy đó,
thay vì mua sắm quần áo và vật chất thì mình mua kinh nghiệm, mua kiến thức.
Nó cũng là một cách làm đẹp nhưng làm đẹp tâm hồn thay vì hình thức.”
Mình gặp Nam những ngày cuối năm 2014 tại hostel Pirwa mình đang làm lây lất qua ngày ở La Paz, Bolivia. Lúc này Nam đang vừa trao đổi xong một học kỳ ở Quito, Ecuador nên tranh thủ làm một chuyến quanh mấy nước lân cận trước khi về lại Singapore. Ba năm sau ngồi ôn chuyện cũ với Nam, số nước đi mỗi năm vẫn tăng đều đặn và gần đây nhất là chuyến bắc tiến đi Triều Tiên thăm chú Kim.
NGUYỄN SƠN NAM
Sinh năm 1993, tuổi con gà
Quê quán: Đồng Nai
Tốt nghiệp ngành Marketing trường SMU Singapore
Đang làm PHD Media – marketing agency chuyên online marketing
Fun fact: Đến nước nào mua một cuốn sách về một vấn đề xã hội trọng điểm của nước đó.

Nam ở Machu Picchu năm 2014
Nam bắt đầu “nghiện” đi từ khi nào ha?
Người đi nhiều đều xuất phát từ một chuyến đi khai sáng. Với em đó là năm em học lớp mười lúc đó vẫn ở Đồng Nai và team của em được chọn tham gia một cuộc thi khoa học quốc tế ở Singapore. Từ đó em nuôi dưỡng ước mơ qua SG đi học và vào Đại học thì em qua đó luôn. Lúc mới vô Đại học em vẫn đi đi đâu xa, chỉ đi… làm thêm. Đến năm hai có một hôm em tìm được vé máy bay đi Quảng Châu, Trung Quốc siêu rẻ nên em “quất” luôn. Mà đi ngày độc lắm nha, khởi hành ngày 31/12 và đáp ngày 1/1 cho nên mới rẻ vậy. Đi được rồi thì được khai sáng nên đi hoài.
Hồi trước làm thêm bao nhiêu tiền là đi chơi hết phải không?
Bây giờ làm thiệt mà cũng không dư đồng nào. *cười*

Nam ở Nhật Bản
Trong mấy nước đã đi qua, Nam ấn tượng nước nào nhất?
Khó quá! Em nghĩ là Nepal. Em đi cách đây ba năm sau khi thực tập năm tháng ở Ấn Độ. Tới giờ vẫn thấy Nepal rất đặc biệt, quá bình yên và quá dễ thương, mà phải nhấn mạnh từ dễ thương. Đi ra đường ai cũng tận tình giúp đỡ. Ở Pokhara đó, vừa tới em đã nghĩ mai mốt nghỉ hưu ra đây sống. Chỗ này giống như từ tiểu thuyết ra vậy, có hồ nước phẳng lặng, thú hoang thì đi lòng vòng, có suối nước chảy qua nữa, người đi lại thì bằng xe ngựa và xe đạp, em thấy cuộc sống người miền núi quá đỗi bình yên. Mà em đi năm 2014 nên đền đài còn nguyên vẹn lắm, lúc nghe động đất em xót quá trời luôn.
Em cũng ấn tượng với Triều Tiên nữa, một phần cũng do vừa mới đi xong.
Vậy Nam kể chuyện Triều Tiên đi, có đúng như báo đài vẫn thường đăng tin không?
Em bị từ chối visa 2 lần, xin đến lần thứ 3 mới được vì bên lãnh sự họ nghĩ công việc của em liên quan đến truyền thông báo chí. Nếu mà phải tóm gọn chuyến đi trong một từ thì chắc chắn là “lạ”. Em đi tour từ Trung Quốc nên toàn là người Trung Quốc, có chị hướng dẫn với một hai người nữa nói tiếng Anh với em thôi. Triều Tiên làm mình cảm thấy vừa bất an vừa hứng thú như chuyện trong phòng có gắn camera. Nhịp độ ở đây cứ bình bình, người ta ra đường không thấy giao tiếp với nhau.
Em phải đi theo tour chứ không đi lẻ được. Mấy chỗ đi qua đều có liên quan đến ba vị lãnh tụ lớn của Bắc Hàn. Mà công tác tuyên truyền của nó rất hay, cứ rỉ rả suốt lịch sử hào hùng của dân tộc ra sao. Em chỉ cần ba ngày là thuộc lòng tiểu sử của mấy “bác” hết, chị cứ tưởng tượng người dân sống ở đó cả đời thì sao.
Em đi tour mất 5 ngày, ngày duy nhất có sóng điện thoại là lúc đi gần biên giới Bắc Nam. Em có cho nghe chị hướng dẫn viên nghe lén nhạc K-Pop, chị nói lâu lắm rồi mới nghe một bài hát về cảm xúc con người như yêu – ghét – giận – hờn (chứ không phải ca tung hô lãnh tụ) vì Kpop và K-drama bị cấm ở đây mà. À mà không phải là dân nó không biết về thế giới bên ngoài nha, biết nhiều là khác. Người giàu có, quan chức cả chị hướng dẫn viên đều có điện thoại di động mà đúng ra là cấm. Gì thì gì họ vẫn rất tự hào về dân tộc của họ.
Hành trình đi Triều Tiên 5 ngày của Nam:
Thủ đô Pyongyang (Bình Nhưỡng)
Myohyangsan, miền bắc tỉnh Pyongan
Biên giới Triều Tiên – Hàn Quốc
Nam ở Khải Hoàn Môn (Bình Nhưỡng)
Wow, vậy trong quá trình đi có gặp phải sự cố gì không?
Có một vài khoảnh khắc nhỏ làm mình thót tim như hồi bay từ Trung Quốc sang trên một chiếc máy bay khá… “cổ”, chắc phải từ thời Liên Xô cũ, nghe rõ tiếng động cơ “tạch tạch” thế nào luôn, cứ như xe khách đường dài của Việt Nam. Hên mà cuối cùng cũng đến hơn an toàn. Mà tiếp viên vui lắm, mình gọi họ đến để tắt đèn báo rồi bỏ đi, chẳng hỏi han gì hết, mình cũng không kịp nói gì luôn.
Còn lúc đến nơi thì mình là người bị kiểm tra cuối cùng và kiểm tra rất lâu vì hộ chiếu khác, nhưng mà cũng qua hết. Triều Tiên khá an toàn, không có gì để sợ, tất nhiên miễn là mình không đi đâu lung tung hay làm gì bậy bạ.
Còn lần em đi châu Âu có gặp một sự cố là bị móc túi ở Brussels (Bỉ) ngay bữa cuối cùng luôn trong một quán bar. Đúng là người xấu thì ở đâu cũng có dù ở nước nghèo hay giàu.
Điều gì khiến Nam cứ thích đi nhiều như vậy?
Đi chơi cũng giống như đi shopping, thay vì mua sắm quần áo, mình mua kinh nghiệm, mua kiến thức. Nó cũng là một cách làm đẹp nhưng làm đẹp tâm hồn. Càng đi càng biết nhiều mình càng rộng mở hơn, tiếp thu nhiều hơn, trở thành một con người mà người ta muốn lắng nghe nhiều hơn.
Việc em đi nó còn thể hiện quan điểm về nhân sinh, là em không tin vào biên giới, quốc tịch, hoặc sự chia cách con người theo dân tộc hoặc quốc gia đi là để con người tìm lại được nguyên bản của mình, là tất cả mọi người đều sinh ra ngang bằng như nhau.
Nam còn muốn nhắn gửi gì đến các bạn trẻ cũng thích đi như Nam không?
Em thấy có nhiều bạn đi qua nước kế bên như Singapore cũng sợ, sợ ko biết tiếng, sợ ko biết đi lại, vv. Mình cứ đi, đi mở đường, bỏ lại những nỗi sợ hãi hay định kiến và quan trọng nhất là phải đi một lần.
Cám ơn Nam đã chia sẻ, chúc em có thật nhiều chuyến đi thú vị hơn nữa.
*Ảnh do nhân vật cung cấp
[…] Nguyễn Sơn Nam: Không tin vào biên giới và quốc tịch […]