
Nghe Nguyên kể về cuộc sống “đi học, đi chơi, đi tắm biển” của em ở Colombia mà ham. Song cơ hội không phải tự nhiên mà đến. Dù còn rất trẻ, Nguyên đã ý thức được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ và đeo đuổi những cơ hội được trải nghiệm và được đi xa, tiếng Anh, tiếng Nhật rồi tiếng Tây Ban Nha. Mình đã không bỏ qua cơ hội được nghe em kể chuyện lần đầu em đi du học cùng những khoảnh khắc đáng nhớ những tháng em ở Cartagena, Colombia theo học bổng toàn phần của chính phủ.
Trần Thị Hạnh Nguyên
Kinh tế đối ngoại trường ĐH Ngoại thương TPHCM
Sinh năm 1995, tuổi con ủn ỉn
Quê quán: Bến Tre
Fun fact: Vừa mới biết bơi ở tuổi 22, còn chưa biết nổi.
Nguyên học gõ trống ở Cartagena
Sơ lược về học bổng ELE Asia
Là học bổng trao đổi văn hoá của chính phủ Colombia dành cho các bạn trẻ quốc tế đến học tiếng Tây Ban Nha tại Colombia. Năm 2017 là niên khoá V, hơn 60 bạn được tài trợ và riêng Việt Nam được sáu bạn. Trình độ ngoại ngữ của các bạn cũng dao động khá lớn từ lưu loát đến vỡ lòng. Mỗi bạn sẽ được phân bổ đến một trong 8 địa điểm ở Colombia: thủ đô Bogota, Medellín, Chia, Bucaramanga, Socorro, Manizales, Armenia và Cartagena. Theo lời Nguyên nói thì quy trình nộp đơn xin học bổng “khá dễ” chỉ là các bạn không có thông tin. Nguyên là người Việt duy nhất được xếp ở Cartagena, thành phố biển miền bắc. Miễn học phí, mỗi tháng còn được tài trợ thêm 1,600 pesos colombianos (~550USD) để trang trải cuộc sống như tiền thuê nhà hay ăn uống mà theo Nguyên là “Nếu chi tiêu hợp lý, nấu ăn ở nhà thay vì ăn hàng quán ngoài đường thì tiền hàng tháng đủ dư để đi du lịch do mức sống ở đây chỉ nhỉn hơn Sài Gòn chút xíu.” Là thành phố du lịch nổi tiếng nên chi phí sinh hoạt có cao hơn các thành phố khác nhưng đổi lại không thiếu bất kỳ hoạt động nào.
Cuộc sống ở Catagena
“Đi học, đi chơi, đi tắm biển, cuộc sống rất đơn giản!” Nguyên cười giòn tan.
Ngoài giờ học tiếng Tây Ban Nha, Nguyên và các bạn cùng khoá còn đi làm tình nguyện viên, từ dạy tiếng Anh cho học sinh phổ thông hay hỗ trợ các dự án của các giáo sư trong trường. Thầy chủ nhiệm của Nguyên chuyên ngành nghệ thuật thành ra các bài thuyết trình của em xoay quanh về chủ để nghệ thuật Việt Nam. Nguyên phải nghiên cứu tư liệu và trình bày trước thầy cô và bạn bè quốc tế về kiến trúc Việt Nam, các nghệ sỹ lớn, trang phục rồi văn thơ của dân tộc nữa. “Càng học càng có dịp so sánh tiếng Việt mình với tiếng Tây Ban Nha, hai hệ thống ngôn ngữ khác nhau nhiều lắm, thấy vô cùng thú vị.” Tất nhiên là hằng ngày Nguyên đều có dịp tìm hiểu thêm về phong tục xứ bạn nhưng cũng là để hiểu rõ hơn tập quán xứ mình. “Em còn biết thêm nhiều cử chỉ tay ở nước này nghĩa này nhưng ở nước khác lại hoàn toàn khác. Bọn em đang tính làm dự án về chủ đề này, có các bạn Ấn Độ, Nhật Bản, vv. tham gia nữa.”
“Mấy bạn người bản xứ bên này thấy mình sinh viên nên hay giúp đỡ, dễ thương lắm.” Nguyên chia sẻ. Người Colombia vốn nổi tiếng thân thiện và với Nguyên không phải là ngoại lệ. Colombia là đất nước khá rộng lớn và đa dạng về sắc tộc và văn hoá. “Ở đây có nhiều vùng khí hậu mà khí hậu khác thì văn hoá sẽ khác,” Nguyên giải thích. Như Cartegena nơi Nguyên đang ở thì có nhiều người afro gốc phi hơn các thành phố lớn khác, cùng một nước nhưng lại có nhiều sắc tộc văn hoá khác nhau và có chung niềm tự hào dân tộc và ngôn ngữ (chưa kể tiếng lóng tiếng láy mỗi miền mỗi khác nữa). Mỗi ngày học được cái mới với Nguyên là một niềm vui.

Nguyên gặp tổng thống Colombia đương thời – ngài Juan Manuel Santos
“Lên voi xuống chó”
Đường đến Colombia của Nguyên không phải chỉ trải toàn hoa hồng với cô gái vừa tốt nghiệp Đại học chưa từng sống xa gia đình. Nguyên ở thủ đô Bogota vài hôm trời đang lạnh lại chuyển đến Cartagena nóng ngang ngửa Việt Nam lúc hè khắc nghiệt nên bị sốc nhiệt, lại còn chuyển nhà ba lần, mất điện thoại hai lần chỉ vỏn vẹn trong vòng một tháng. Nhưng tất cả những sự cố trên chỉ giúp cô gái nhỏ nhắn da màu thêm rắn rỏi.
“Tự lo thân mình là cái em học được nhiều nhất. Cả gia đình em từ Bến Tre lên Sài Gòn lâu rồi, chưa bao giờ em sống xa gia đình hết. Mà bị ‘quăng’ ra đường vậy em cũng thích, em học cách tự lo thân mình, tự nấu ăn. Trước đây có nhiều chuyện nhỏ xíu cũng thấy to tát bây giờ chỉ một thân nên cỡ gì cũng ‘chơi’. Em thấy khả năng nói của em tiến bộ nữa, tại vì không nói thì không biết đường.”
Bí quyết học ngoại ngữ
Nguyên bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha chỉ hơn hai năm, với mong muốn đơn giản là học một ngữ mới để “đổi gió”. Tiếng TBN cũng không xa lạ gì vì là ngôn ngữ có số lượng người nói nhiều thứ hai thế giới, sau tiếng Trung mà hệ chữ cũng như tiếng Anh, không phải là nhiệm vụ bất khả thi để học. “Như em vốn không hề có nền tảng gì với tiếng Tây Ban Nha nhưng học thì vẫn cứ học thôi. Mà học tiếng gì đi nữa thì cần nhất là kiên nhẫn.” Nguyên kể Nguyên đã từng đi dạy kèm tiếng Anh, để ý thấy các bạn rất thích “đi đường tắt“, muốn được lưu loát qua đêm, nhất là người lớn hay có xu hướng nghĩ mình bận rộn nên có thói quen “ép” thầy dạy sao để nói được liền. Nhưng đâu phải cứ muốn là được, còn phải thực tế một chút. Với Nguyên, bí quyết để học giỏi ngoại ngữ không hề là một chút bí mật nào, quan trọng là phải rèn luyện. Nếu “ngốn” nhiều từ vựng cùng một lúc mà sau đó không thực tập thì cũng không ích lợi gì, mỗi ngày bỏ ra 15-20 phút tập trung học cho thật tốt, không được nản. “Chuyện học ở trường ra sao không có ích bằng việc học ở nhà thế nào.” Nguyên chốt.
Dự định sau Colombia
Vừa tốt nghiệp Đại học, Nguyên tràn đầy nhiệt huyết bắt đầu đi làm và cống hiến. Vì là con gái lớn của gia đình mà hai chị em Nguyên là hai cử nhân đại học đầu tiên của gia đình nên Nguyên không muốn phụ lòng ba mẹ. Nguyên rất hiểu nỗi trằn trọc của ba mẹ vì ngày xưa mẹ bằng Nguyên bây giờ đã tay bế tay bồng, nhưng Nguyên có hoài bão riêng của mình, đã đi rồi lại muốn đi nữa. Nguyên hy vọng và một hai năm “cày bừa” để thêm cứng cáp trong công việc và cũng vững chắc hơn về tài chính để còn “bay nhảy”. Nguyên còn có nguyện vọng được tài trợ học bổng để học thêm lên thạc sỹ, xin working holiday visa đi New Zealand, hay “kiếm tiền đi chơi như chị Ánh Nhân” (theo đúng nguyên văn). Với Nguyên, sống là để khám phá, để trải nghiệm và dù Nguyên có chọn con đường nào, mình tin là em làm được.
*hablo español = tôi nói tiếng Tây Ban Nha